Bi sắt chơi khá đơn giản, ít tốn kém, không quá tốn sức, lứa tuổi, giới tính nào chơi cũng được. Chỉ cần một bộ bi, khoảnh đất trống nho nhỏ là có thể tranh tài mọi lúc, mọi nơi.
Tiềm năng
Cuối tháng 9, lần đầu tiên Huế tổ chức giải vô địch bi sắt các CLB tỉnh. Dù chỉ diễn ra trong 2 ngày (28-29/9), thu hút 40 VĐV đến từ 10 CLB tham gia nhưng đây đã là một cố gắng của ngành thể thao tỉnh nhà nói chung, Trung tâm thể thao Huế nói riêng.
Nói cố gắng bởi Huế không phải là địa phương phát triển môn bi sắt mạnh như một số tỉnh, thành phía Nam và miền Tây, nhưng số người chơi môn thể thao này cũng khá nhiều, nhất là ở công viên đối diện Phu Văn Lâu, khu vực Phường Đúc, An Hòa, Phú Hiệp… và lan tỏa đến Quảng Điền, Hương Trà, Hương Thủy. Dẫu vậy, trước khi giải đấu này diễn ra, môn thể thao này mang tính chất tự phát, rải rác và thỉnh thoảng còn kéo theo hệ lụy là nạn cá độ ăn tiền. Điều này khiến những người làm thể thao rất khó tập hợp người chơi thành từng nhóm, CLB cho đến khi một số huyện, thị như Quảng Điền, Hương Trà, Hương Thủy… tổ chức thi đấu bi sắt tại ĐH Thể dục thể thao (TDTT) cơ sở một năm về trước.
Thời điểm Sở TDTT chưa sáp nhập, Giám đốc sở lúc bấy giờ là ông Ngô Văn Trân, trong một lần sang Lào năm 2007, thấy bi sắt nước bạn rất phát triển, nhìn về địa phương, ông Trân nhìn ra tiềm năng và lên phương án phát triển bộ môn này. Tuy nhiên, dự định phải chững lại do đúng vào thời điểm các ngành văn hóa, thể thao và du lịch sáp nhập. Phong trào bi sắt ở Huế do vậy cứ phát triển manh mún, mạnh ai nấy chơi.
Bi sắt chơi khá đơn giản, ít tốn kém, không quá tốn sức, lứa tuổi, giới tính nào chơi cũng được. Chỉ cần một bộ bi, khoảnh đất trống nho nhỏ là có thể tranh tài mọi lúc, mọi nơi. Với những yếu tố như vậy, rõ ràng đây là môn thể thao có rất nhiều lợi thế trong phát triển phong trào và hướng đến đỉnh cao. Chính vì vậy mà bi sắt được tỉnh xác định là môn nằm trong quy hoạch phát triển thể thao phong trào giai đoạn 2008 – 2015 và định hướng đến 2020. “Dù là lần đầu tiên tổ chức, ít nhiều mang tính “thăm dò”, nhưng bi sắt cho thấy được nhiều người đón nhận. Đây là cơ sở để ngành thể thao phát triển phong trào theo hướng xã hội hóa”, ông Lê Ngọc Tư – Trưởng phòng Quản lý TDTT (Sở Văn hóa & Thể thao) chia sẻ.
Mong chờ
Bi sắt là môn nằm trong quy hoạch phát triển thể thao phong trào giai đoạn 2008 – 2015 và định hướng đến 2020. Tuy nhiên, “tham vọng” của những người làm thể thao Huế không dừng lại ở mức phong trào.
“Về hình thức, VĐV Huế chưa chuyên nghiệp bằng một số tỉnh, thành bạn, nhưng về kỹ thuật, những động tác khó như: Lôm demi (soft-lob – ném bi hơi cao hình cong); lôm cao (high lob) – ném bi lên cao và để rơi gần như thẳng đứng; bắn trực diện – cách bắn khó nhất, đòi hỏi tính chính xác cao hay bắn xuống đất – kiểu bắn phá thế trận đối phương… được không ít VĐV Huế thực hiện rất nhuyễn, điều này cho thấy họ đủ sức tranh tài ngang ngửa với các VĐV bạn ở những giải đấu chuyên nghiệp”, VĐV Nguyễn Văn Thức – HCV lứa tuổi trên 51 giải vô địch bi sắt các CLB tỉnh lần 1-2018 từng tham gia nhiều giải mở rộng ở Đà Nẵng, nhận định.
Người chơi bi sắt Huế đang tập luyện theo kiểu kinh nghiệm, người đi trước bày người đi sau nhưng nền tảng kỹ thuật lại khá tốt. Chỉ cần được tập huấn về luật và hình thức thi đấu thì Huế vẫn có khả năng thành lập đội tuyển tranh tài ở ĐHTTTQ sắp đến. Hiện tại, bi sắt ở Huế chơi theo dạng 4 bi (8 điểm), bi nặng nhất có trọng lượng lên đến 1,4kg, trong khi bi sắt thi đấu tại ĐHTTTQ là 3 bi (12 điểm), mỗi bi có trọng lượng từ 650-800g. Nếu tiến đến tham gia ĐHTTTQ, các VĐV Huế cần trải qua một khóa tập huấn ngắn để làm làm quen với trọng lượng, số bi và luật thi đấu.
“Qua những gì đã biểu hiện ở giải đấu vừa rồi, cũng như với trao đổi một số VĐV có thành tích xuất sắc, như: Nguyễn Văn Thức, Lê Văn Thừa, Lê Cảnh Mỹ, Ngô Xuân Tâm, Trần Văn Châu, Hoàng Ngọc ZôNi…, họ đồng ý tranh tài tại ĐHTTTQ 2018. Nếu tỉnh, ngành đồng thuận, chúng tôi sẽ thành lập đội tuyển theo hình thức xã hội hóa 50-50 để tham gia”, Giám đốc Trung tâm Thể thao Huế – Bùi Thanh Dũng cho biết.
ĐHTTTQ là sân chơi tập trung tất cả VĐV xuất sắc nhất đến từ các tỉnh, thành, ngành trên cả nước. Điều này cũng đồng nghĩa với độ khó trong cạnh tranh huy chương ở các môn thể thao nói chung, bi sắt nói riêng. Tuy nhiên, kể cả khi VĐV bi sắt Huế (nếu được tham dự) không thể đem về thành tích cao thì hãy khoan thất vọng, bởi đây không là điều nằm ngoài dự kiến khi mục đích trước mắt là cọ xát, học hỏi kinh nghiệm. Ngược lại, việc khoác áo Thừa Thiên Huế tranh tài tại sân chơi thể thao lớn nhất cả nước chính là động lực để những người yêu thích môn bi sắt có động lực chung tay phát triển phong trào, tiến đến mời HLV, thành lập đội tuyển để chính thức góp mặt ở các đấu trường cấp quốc gia, khu vực trong tương lai.
Hàn Đăng